Mỗi tháng, vợ chồng mình đều kỷ luật dành ra 1,400 đô không tiêu xài cho bản thân
Kỷ luật trong sự cho đi tạo nên kỷ luật trong suy nghĩ và hành động.
Từ khi bọn mình sang Úc, sau khi trả hết nợ vay đi học và giúp bố mẹ trả tiền vay xây sửa nhà cửa, vợ chồng mình bắt đầu gửi tiền về cho bố mẹ chi tiêu hàng tháng. Hàng tuần bọn mình cũng dâng hiến lên một Hội Thánh người Việt Úc để phục vụ các công việc mục vụ.
Sau đó một thời gian thì bọn mình cũng bắt đầu gửi về cho Hội Thánh ở Hà Nội - nơi mà đã đưa bọn mình đến với Chúa và nuôi dưỡng đời sống tinh thần bọn mình. Vào khoảng tháng 10 năm ngoái, thấy bạn thân mình thường xuyên đóng góp cho cộng đồng tình nguyện 5K chuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, trẻ em, phụ nữ… nên mình cũng quyết định tham gia.
Vậy là từ đó, tổng mỗi tháng bọn mình đều dành ra khoảng 1,400 đô để biếu bố mẹ và giúp đỡ những người khác.
“Anh chị giàu quá? Số tiền đó rất lớn.”
Thực ra bọn mình chẳng giàu đâu. Bọn mình có một cuộc sống rất bình thường và bình dị. Bọn mình sống đơn giản, ăn uống đơn giản, tiêu xài ít, cũng không đi chơi hay ăn uống bên ngoài nhiều. Vẫn đi thuê nhà, chưa có định cư ở Úc, chưa có con cái, có xe ô tô nhưng cũng là xe mua lại. Để dành ra số tiền trên là phần còn lại vừa đủ cho vợ chồng mình sống thoả lòng với cuộc sống hiện tại.
Tiền có bao nhiêu là đủ? Nếu mà cứ chờ cho bản thân có đủ hết rồi mới giúp đỡ bố mẹ hay những người xung quanh thì bao giờ mới làm được? Hay nếu chỉ tập trung cho gia đình mình mà không để ý tới bao hoàn cảnh khó khăn khác và cả cộng đồng của bọn mình nữa thì có ổn không?
Mình có tiền trả cho Netflix hàng tháng, đi ăn uống với bạn bè mất vài trăm đô chả tiếc, về Việt Nam đi du lịch nhiều nơi, mua sắm quần áo này đến quần áo khác, có khi mặc chỉ được đôi lần… vậy thì mình không phải nghèo. Mình vẫn có rất nhiều khả năng để chung tay giúp đỡ thêm những cuộc đời khác nữa.
Cho đi là nhận lại. Đó là nhận lại niềm vui khi thấy những đóng góp nhỏ của mình có thể làm cải thiện cuộc sống của những em nhỏ hay của những hoàn cảnh khó khăn hơn. Đó là nhận lại niềm vui từ trong lòng vì biết rằng mỗi một ngày qua đi của mình luôn có ý nghĩa. Đó là nhận lại động lực để cố gắng nhiều hơn, để vẫn có thể duy trì được việc dành ra 1,400 đô mỗi tháng, và để cho tương lai sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn nữa. Đó cũng là nhận lại những thay đổi trong trái tim mình, cảm nhận được bản thân mình yêu người hơn, sống đồng cảm hơn, và tử tế hơn trước.
Kỷ luật trong sự cho đi tạo nên kỷ luật trong suy nghĩ và hành động. Càng ngày mình càng cảm nhận được sức mạnh rõ rệt của điều này. Bọn mình cố gắng không phải chỉ cho hai người và gia đình nhỏ riêng, mà còn cố gắng vì cả bao nhiêu người nữa. Thế nên, không được nản chí, không được lùi bước, không có gì phải chênh vênh, mông lung vì bọn mình đang làm được những điều có ý nghĩa.
Chẳng ai biết được liệu bọn mình còn có thể duy trì làm như thế này đến bao lâu vì một ngày nào đó có thể cuộc sống sẽ trở nên khó khăn. Nhưng chắc chắn là bọn mình vẫn sẽ cứ làm như thế này cho đến lúc mà không thể làm được nữa. ☘️